Bún nước lèo Sóc Trăng đậm đà ngày mưa

29/09/2018 11:03 Chiều

Tọa lạc ngay mặt bằng đường Phạm Viết Chánh, thuộc trung tâm Q.1, gần kề với hàng loạt bệnh viện, trường học có tiếng của Sài Gòn, song Chân Đất lại dân dã, mộc mạc với bàn tre, ghế mây, áo bà ba, nụ cười hiền và giọng nói miền Tây ngọt lịm. Đặc biệt, tuy nằm ngay vị trí đắc địa, mặt bằng rộng, thoáng, song giá thức ăn và nước uống ở đây chỉ dao động từ 10.000 – 37.000 đồng – mức giá nhiều người nhận định “rẻ hơn chợ”.
Bún nước lèo Sóc Trăng

Tô bún nước lèo Sóc Trăng đúng điệu phải có cá lóc luộc, đã bỏ hết xương, tôm tươi lột vỏ, thịt heo quay cắt thành từng miếng và mực tươi thái con chì.

Quán chuyên phục phục vụ những món mang đậm phong vị của vùng đất này như cháo cua đồng, cháo cá, bánh hỏi thịt nướng… song được yêu thích nhất trong những ngày gần đây là món bún nước lèo Sóc Trăng.

Nếu các loại bún nước lèo của miền Tây như bún nước lèo Trà Vinh, Kiên Giang, bún cá Châu Đốc thường được chế biến từ mắm cá linh, mắm cá sặc… thì bún nước lèo Sóc Trăng được chế biến từ mắm bò hóc, một loại mắm đặc biệt của người của người Khmer.

Là loại mắm khá đặc trưng về mùi vị, màu sắc, thế nhưng cách chế biến nước lèo của món bún này đơn giản đến khó tin. Cụ thể, người ta chỉ cần nấu mắm với nước sôi. Khi thịt mắm rã hết thỉ lọc bỏ xương. Phần nước được cho lại vào nồi, thêm gia vị là có thể dùng. Đơn giản như thế nhưng để bật lên hương vị chuẩn của món ăn thì không thể thiếu ngãi bún, một loại gia vị có nguồn gốc từ Campuchia. Chính ngãi bún tạo ra một thứ hương vị “bí ẩn” khiến nồi nước lèo có mùi vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Bún nước lèo Sóc Trăng

 

Bún nước lèo Sóc Trăng

 

Bún nước lèo Sóc Trăng

 

Bún nước lèo Sóc Trăng

Góp phần vào thành công của món ăn là loại bún được làm từ loại gạo dẻo, ngâm nước qua đêm rồi xay trong cối đá.

Đó là cách chế biến nước lèo truyền thống. Riêng tại quán, để món bún ngon và trọn vị hơn, nước lèo được chia làm hai công đoạn khác nhau. Công đoạn một là hầm nước dùng với xương ống, xương sườn hoặc tôm. Trong quá trình nấu, nồi súp cũng được hớt bọt để cho nước lèo có độ trong và ngọt. Sau khi có nước dùng, đầu bếp mới nấu chung với nước mắm đã lọc xương ở trên, rồi mới cho thêm sả, ngãi bún đập dập vào, nêm nếm vừa ăn.

Không chỉ mê hoặc thực khách với loại nước lèo có mùi thơm của sả, của ngãi bún, mằn mặn của mắm, tô bún nước lèo Sóc Trăng còn “quyến rũ” với miếng cá lóc luộc đã bỏ hết xương trắng phau, mực tươi xắt con chì, tôm tươi lột vỏ, thịt heo quay cắt thành từng miếng. Đi cùng món ăn là đĩa rau đa dạng về màu sắc, hương vị như rau muống bào, bắp chuối thái mỏng, giá, hẹ sống, rau húng, rau quế, chanh, ớt và chén muối ớt thơm đậm.

Sương sa hột lựu với những miếng thạch sương sa giòn rụm do được nấu hoàn toàn bằng rau chân vịt.

Sương sa hột lựu với những miếng thạch sương sa giòn rụm do được nấu hoàn toàn bằng rau chân vịt.

Yaourt Phô mai thơm đậm, ngọt nhẹ.
Yaourt Phô mai thơm đậm, ngọt nhẹ.

Tuy thành phần cơ bản là bột gạo, bột năng, lá mơ, song bánh lá mít đủ sức mê hoặc tất cả các thực khách với vị ngon dân dã của nó.

Sau khi dùng xong món “nặng mùi” này, quán có hàng loạt món tráng miệng ngon, lạ, rẻ để bạn thưởng thức như chè khoai cao, chè đậu đen, chè bông lau, sương sa hột lựu, yaourt phô mai…

Lạ nhất là món bánh bạn có thể nghe nhiều nhưng chưa có dịp thưởng thức, bánh lá mít lá mơ. Do hạn chế về việc vận chuyển, những chiếc bánh lá mít khi đến tay bạn không còn là những “lát giấy mỏng” dính trên chiếc lá mít, mà đã được bóc ra, cho vào đĩa.

Dù vậy, khi thưởng thức, vị ngon của loại gạo mới gặt, vị thơm, màu đậm của chiếc lá mơ, cái béo của nước cốt dừa, cái thơm giòn của đậu phộng cũng đủ khiến bạn lưu luyến và nhớ mãi.

Địa chỉ: Quán Chân Đất, 14 Phạm Viết Chánh, Q. 1, TP. HCM. Quán mở cửa từ 7h – 22h hàng ngày.

Huỳnh Hằng

Theo Tri Thức