Tanah Lot là một trong những biểu tượng văn hóa, du lịch của Bali. Ngôi đền Hindu cổ nằm trên một khối đá bên bờ biển Thái Bình Dương. Khi thủy triều lên, nơi này giống như một đảo đá biệt lập giữa biển khơi. Đền cách thành phố Kuta khoảng 20km về phía tây bắc. Du khách có thể đến bằng taxi, xe bus.
Mỗi năm có hàng triệu du khách đổ về đền Tanah Lot để chiêm ngưỡng khung cảnh nơi đây. Tuy nhiên chỉ những tín đồ mới được lên đền để thực hiện nghi lễ. Khi thủy triều rút, du khách có thể men theo những tảng đá và cát đen để ra chân đền.
Truyền thuyết kể lại vào khoảng thế kỷ thứ 15, một tu sĩ Ấn Độ tên Danghyang Nirartha đến Bali và thuyết phục người dân xây dựng ngôi đền để truyền bá đạo Hindu. Để bảo vệ Tanah Lot, ông đã biến chiếc khăn choàng đầu của mình thành con rắn khổng lồ quấn quanh ngôi đền. Một truyền thuyết khác kể rằng vị thần bảo vệ ngôi đền chính là con cháu của thần rắn Basuki. Ngày nay người dân Bali tin rằng những con rắn thần vẫn sống trong những hang đá dưới ngôi đền, ban đêm chúng sẽ bò lên để nhận thức ăn cúng dường.
Sau khi rửa mặt từ dòng nước ngọt chảy ra từ vách đá, du khách sẽ được các tu sĩ làm lễ cầu may bằng cách đặt những hạt gạo sống lên trán và cài bông hoa sứ bên tai trái. Người Bali tin rằng những hạt gạo này sẽ giúp khơi mở trí tuệ. Khi hạt gạo rơi từ trên xuống, họ sẽ nhặt lên ăn lại với hàm ý sẽ chỉ nói ra những điều hay lẽ phải.
Theo truyền thống, những tín đồ nam sẽ mặc đồ trắng, phụ nữ mặc trang phục nhiều màu sắc, đội chiếc rổ với đồ cúng bên trong và xếp thành hàng dài để lên đền. Từ đền Tanah Lot, người ta có thể nhìn thấy một số ngôi đền khác trong hệ thống 7 ngôi đền linh thiêng nhất Bali.
Hàng năm vào các ngày lễ lớn, người dân vẫn đến Tanah Lot để cầu nguyện, mong cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu.
Thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm đền là buổi chiều, khi hoàng hôn bắt đầu buông. Đứng từ bờ nhìn ra biển, du khách sẽ thấy ngôi đền huyền ảo dần chìm trong bóng tối, chỉ còn tiếng sóng vỗ rì rào. Để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp nơi đây, du khách nên đến đây ít nhất hai lần, khi thủy triều lên và thủy triều rút.