Thao thiết nhớ thương
Ngôi làng ấy mang một phần dấu tích người xưa của lời hát bi thương. Trong sự vần vũ của thời cuộc, trong nỗi đoạn trường của thế thái nhân tình, chỉ ở một khoảng thời gian ngắn ngủi, ngôi làng Cỏ Ống vừa được sinh ra đã phải chứng kiến những buồn thương.
Sân bay Cỏ Ống Côn Đảo tọa lạc tại làng Cỏ Ống
Thông tin từ Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu còn ghi lại, vào những năm 1760 chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã cho di dân và cử người ra cai quản Côn Lôn. Đến năm 1783, Nguyễn Ánh bôn tẩu ra đây hòng tránh sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn, ông đã lập ra ba làng Cỏ Ống, An Hải, An Hội. Tên gọi Cỏ Ống có từ đây và người dân trên làng đảo bắt đầu kể cho nhau nghe truyền thuyết về Đầm Trầu, Hòn Cau,…
Tích xưa kể lại rằng, vì bị quân Tây Sơn săn đuổi, Nguyễn Phúc Ánh cùng các quan cận thần và linh mục Bá Đa Lộc có ý định đưa Hoàng tử Cải sang Pháp để làm con tin xin cầu viện. Thứ phi (Hoàng Phi Yến) can:
“Việc đánh nhau với Tây Sơn ta có thể coi như việc trong nhà, chúa công nên dụng nghĩa binh trong nước thì hơn. Bệ hạ nhờ sức mạnh của người ngoài về giải quyết vấn đề nội bộ dù chúng ta có thắng Tây Sơn đi nữa cũng chẳng vẻ vang gì, thiếp e còn lắm điều rối rắm về sau…”.
Nhà chúa cho rằng Thứ phi thông đồng với quân Tây Sơn nên tức giận xử tội chết. Nhờ can gián nên nhà chúa hạ lệnh tống giam bà trong một hang đá (nay gọi là hòn núi Bà). Vừa nhốt bà xong, nhà chúa nghe tin quân Tây Sơn sắp đánh ra đảo. Chúa Nguyễn vội vàng cùng tuỳ tùng xuống thuyền chạy về đảo Phú Quốc.
Khi thuyền nhổ neo, Hoàng tử Cải không thấy mẹ bèn hỏi, có người tiết lộ mẹ của Hoàng tử bị giam cầm trên đảo. Hoàng tử khóc đòi cha cho mẹ cùng theo. Nguyễn Ánh tức giận đã ném đứa con vô tội xuống biển. Hoàng tử Hội An chết, thi hài dạt vào bãi san hô và được dân làng Cỏ Ống chôn cất, lập miếu thờ có tên Miếu Cậu.
Bà Phi Yến cũng được dân làng giải thoát khỏi hang đá. Mọi người cùng nhau giúp bà dựng một ngôi nhà ngay bên mộ Hoàng tử Hội An ở làng Cỏ Ống. Nên người bấy giờ đặt ra câu hát: “Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”. Lời hát ấy đã trở thành câu hát mẹ ru con bao thế hệ người Việt nhưng ít ai biết rằng, lời hát ấy có nguồn cơn từ một ngôi làng cách đất liền một giờ bay.
Trải qua mấy trăm năm, Đức bà Phi Yến và Hoàng tử Hội An đã hiển thánh, đã trở thành một phần trong văn hóa tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Mỗi rừng cây, bãi cát, suối nguồn… của ngôi làng Cỏ Ống đều mang đậm dấu tích văn hóa của người xưa. Đồng hành cùng lịch sử ngôi làng là sự hiện diện của con người. Những chủ nhân của vùng đất này đã lưu lại những địa danh văn hóa: Cỏ Ống, Miếu Cậu, Đầm Trầu, Hòn Cau… đã ăn sâu vào tiềm thức, niềm tự hào của người dân làng đảo. Các địa danh được lưu truyền trong dân gian cho đến tận ngày nay.
Vấn vương tên gọi
Như chiếc rễ ăn sâu vào đất/Ai nhổ được tên làng/ Ra khỏi vùng ký ức?”. Với mỗi miền quê, tên làng là di sản. Với mỗi con người, tên làng là nỗi niềm thao thiết nhớ về trong những chuyến đi xa. Mang tên gọi của làng nơi tọa lạc, sân bay Cỏ Ống đã trở thành một điểm hẹn ký ức, là một địa danh thân thuộc với người Côn Đảo. Trong ký ức người dân nơi đây, đó là “sân bay Cỏ Ống”. Nhưng tấm biển tên từ mươi năm nay, đã được đổi thành “Cảng hàng không Côn Sơn”, khi là “Cảng hàng không Côn Đảo”.
Không chỉ hiện hữu trong các văn bản, trên các phương tiện truyền thông mà trong tâm thức người dân hòn đảo Đông Nam Tổ quốc, sân bay Cỏ Ống là một cái gì đó rất cụ thể, rất đẹp và không thể thay thế. Tôi đã từng gặp người lái xe taxi SaigonCondao ở sân bay Cỏ Ống cũng là cư dân của đảo. Chỉ mới mở lời nhờ anh giới thiệu về lịch sử sân bay mà đã nghe trong anh cả một sự tự hào về hòn đảo, về “cái tên mĩ miều” (theo cách gọi của anh về tên gọi sân bay Cỏ Ống). Tôi hiểu, ở anh và người dân nơi đây, cái tên sân bay Cỏ Ống mang hồn cốt, hơi thở của đất, của đảo, của truyền thuyết, của lịch sử mãi không bao giờ mất đi.
Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, sân bay Cỏ Ống có vị trí kinh tế, chính trị, địa lý đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ giao thương của Côn Đảo với đất liền. Dẫu qua nhiều đổi dời, tên gọi sân bay theo tên làng Cỏ Ống vẫn là một phần văn hóa, là sợi dây gắn kết quá khứ và hiện tại, lịch sử và tương lai. |
Khi lần giở các tài liệu về sân bay Côn Đảo, tôi nhận ra rằng, việc hình thành nên tên gọi ban đầu của địa danh này cũng như việc thay đổi biển tên sau đó, đều xuất phát từ những “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực giao thông vận tải, từ ước mơ nối đảo với bờ. Sau giải phóng, trong hai thập niên 1980, 1990 giao thông giữa Côn Đảo và đất liền phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các chuyến tàu biển. Các chuyến tàu lại phụ thuộc vào thời tiết.
Bước sang thập niên 1990, tuyến Côn Đảo – Vũng Tàu và Côn Đảo – Cần Thơ ngoài các chuyến tàu hàng thì có thêm các chuyến tàu khách. Đặc biệt từ năm 2001, sự góp mặt của các tàu Côn Đảo 9, Côn Đảo 10 đã tạo ra một bước ngoặt mới cho giao thương giữa đất liền và đảo xa. Côn Đảo thoát dần vẻ đìu hiu, biệt lập, thâm u cũ.
Ngoài tàu biển, cũng trong khoảng thời gian ấy, đi lại giữa đất liền và Côn Đảo có thêm một phương tiện là máy bay trực thăng. Trực thăng một tuần 3 chuyến, chở được ít người, vé hiếm hoi, giá đắt đỏ so với mức sống bình quân của người dân trên đảo.
Vào năm 2003, một sự kiện nổi bật, hết sức có ý nghĩa đối với đời sống của cư dân đảo. Sân bay Cỏ Ống sau nhiều năm vắng lặng đã được cải tạo, nâng cấp. Năm 2004, Công ty Vasco đã khai thác đường bay từ TP.HCM đến Côn Đảo và ngược lại. Và, để mở rộng sân bay Cỏ Ống, theo quy hoạch giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030, sân bay Cỏ Ống sẽ được nâng cấp lên hạng 4C có thể đón được máy bay Airbus A320 (sức chứa lên tới 180 khách) và tương đương. Sự có mặt của hàng không với các chuyến bay liên tục đã thực sự kết nối đất liền với đảo, mở ra những triển vọng phát triển cho miền đảo. Cũng thời gian này, sân bay Cỏ Ống mang tên gọi mới Cảng hàng không Côn Đảo.
Tên gọi, trong cái nhìn triết học và lịch sử, xác định sự hiện hữu. Sự thay đổi tên gọi, do bất cứ lý do nào và từ phía nào, đều xác tín một diễn trình trong thời gian. Tên gọi sân bay Cỏ Ống cũng không nằm ngoài những quy luật ấy. Côn Đảo vốn là một quần đảo gồm 16 đảo mà đảo chính, lớn nhất, được gọi là Đảo Côn Sơn (hay Côn Lôn, Côn Đảo, Phú Hải). Sử Việt trước thế kỷ 20 thường gọi đảo Côn Sơn là đảo Côn Lôn hoặc Côn Nôn. Năm 1977, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo…
Trong chuỗi dài của lịch sử gọi tên, có số phận vùng đất, con người. Tựa như, trời đất có bốn mùa bất biến. Mùa Xuân được gọi mùa yêu thương, mùa hạnh phúc… nhưng tất cả dù với tên gọi nào thì với quy luật tự nhiên nó vẫn gọi tên bằng tên mùa Xuân.
Trong nỗi vấn vương, tôi miên man nghĩ, Hà Nội có sân bay Nội Bài ở làng Nội Bài, Hải Phòng có sân bay Cát Bi, Thành phố Hồ Chí Minh có sân bay Tân Sơn Nhất… Tôi lại nhớ đến sự trở về với tên gọi của tòa nhà Bưu điện Hà Nội giữa lòng Thủ đô. Lưu về miền nhớ, sân bay Cỏ Ống phải chăng còn như một sự định vị. Không chỉ mang tính chất cửa ngõ giao thương, nơi đây chính là điểm bắt đầu để người dân, du khách đi vào khu trung tâm và tỏa lan đi các hướng.
Thương nhớ tên gọi một thời Cỏ Ống. Từ sân bay Cỏ Ống, bao người con làng đảo Cỏ Ống đã tự hào mang đảo về gần với đất liền; cũng từ đây Côn Đảo đã cất cánh bay. Và có một loài cỏ Ống vẫn bám sâu vào lòng đất sân bay, vươn những chiếc lá bạc phấn mạnh mẽ cùng gió đón gửi những chuyến bay đi về.
Phú Giao